Ô tô trong nước có kế hoạch liên tục giảm giá
Thị trường ô tô hiện đang tăng trưởng nhanh, chính vì vậy hoàn toàn có điều kiện để phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước cam kết sẽ tiên phong giảm giá để cạnh tranh với xe ô tô nhập khẩu. Tới năm 2018, giá xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ rất cạnh tranh.
Đầu tư lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh
Công ty cổ phần ô tô Trường Hải đã khởi công Dự án sản xuất, lắp ráp 100.000 xe Mazda/năm, tại Khu công nghiệp Chu Lai, Quảng Nam với sự chuyển giao công nghệ từ hãng Mazda. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến sẽ là 50.000 xe được hoàn thành vào tháng 4 năm 2018.
Hyundai Thành Công cũng cho biết, đã quyết định đầu tư 1 nhà máy sản xuất lắp ráp xe ô tô mới tại Gia Viễn (Ninh Bình), với công suất 120.000 xe/năm, cùng sự hợp tác của Hyundai – Hàn Quốc. Dự án này, dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2018 với hy vọng tới năm 2018 sẽ đảm bảo 90% xe ô tô Hyundai tiêu thụ tại Việt Nam, được sản xuất, lắp ráp tại đây.
Còn 9 tháng nữa là bước sang năm 2018, khi đó thuế nhập khẩu xe ô tô từ khu vực Asean về Việt Nam sẽ giảm xuống 0%. Ngành sản xuất xe hơi Việt Nam được dự báo sẽ đối mặt với nguy cơ không thể cạnh tranh nổi, thậm chí là không thể tồn tại được, trước sức ép xe nhập khẩu.
Trong khi nhiều doanh nghiệp FDI sẽ ngừng sản xuất, hoặc cho thu hẹp quy mô, để hướng tới nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc về phân phối, thì 2 dự án trên đang đi theo chiều hướng ngược lại, đầu tư vào sản xuất với quy mô lớn.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Trường Hải cho rằng: “Với năng lực hiện nay, cùng các chính sách hợp lý của Nhà nước, các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì và phát triển sản xuất ô tô tại Việt Nam. Doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn cách không tiếp tục sản xuất, chuyển sang nhập khẩu nhưng như vậy sẽ khiến hàng nghìn lao động sẽ mất việc làm và Việt Nam sẽ không thể phát triển công nghiệp ô tô. Chỉ có sự phát triển ngành công nghiệp ô tô với tỷ lệ nội địa hóa cao, mới có thể mang lại giá trị cho xã hội và cho đất nước”.
Theo các doanh nghiệp, dù tới 2018, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc được cho là có lợi thế hơn so với nhập linh kiện về lắp ráp, thì cũng chỉ bất lợi với doanh nghiệp phải nhập cả những linh kiện cồng kềnh. Nếu như những chi tiết này được sản xuất tại chỗ, vẫn có lợi thế.
Vì vậy, các dự án về ô tô sẽ đi theo hướng nội địa hóa các chi tiết cồng kềnh, tốn kém chi phí vận chuyển, sử dụng nhiều nhân công như: Thân vỏ xe, ghế ngồi, các chi tiết nhựa… Với việc chế tạo được toàn bộ thân vỏ xe ô tô từ thép tấm, cộng 1 số linh kiện đơn giản như: Nhựa, ghế ngồi, ắc quy, săm lốp… sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt trên 40%, đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu sang khu vực và được hưởng ưu đãi thuế quan 0%.
Theo Ông Trần Bá Dương cho biết, phải tập trung gia tăng nội địa hóa vào những linh kiện quan trọng, vốn được cho là nhược điểm của đối thủ cạnh tranh, để biến nó thành thế mạnh cho mình. Thị trường ô tô hiện đang tăng trưởng nhanh, chính vì vậy hoàn toàn có điều kiện để phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
“Chúng tôi đang phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% với xe ô tô con, để có thể tiến hành xuất khẩu sang các nước trong khu vực Asean”, ông Dương nói.
Mặc dù sản xuất trong nước sẽ gặp phải những khó khăn với xe nhập khẩu, nhưng các doanh nghiệp khẳng định, sẽ phấn đấu giảm giá bán để cạnh tranh giành thị phần. Sắp tới những mẫu xe của Hyundai sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sẽ có giá bán rất cạnh tranh. Ông Trần Bá Dương cho biết: “Từ nay đến 2018, Trường Hải đặt mục tiêu giảm giá xe 5% mỗi năm. Thực tế, trong thời gian qua Trường Hải đã liên tục giảm giá các dòng xe chủ lực, có loại giảm tới cả trăm triệu đồng”.
Các doanh nghiệp cho biết, hiện đang cơ cấu lại và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để tiết giảm chi phí qua đó giảm giá thành sản phẩm. Công việc này cũng sẽ liên tục tiến hành và thời gian tới chắc chắn sẽ giảm giá xe để cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Hiện thực hóa chính sách cho công nghiệp ô tô
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng mong muốn, thị trường ô tô trong nước sẽ được bảo vệ. Nếu để xe ô tô nhập khẩu tự do tràn vào, thị trường sẽ thuộc về nước ngoài, vì vậy cần có các “hàng rào” để bảo vệ. Các nước khác trong khu vực hiện cũng làm như vậy để giúp công nghiệp ô tô trong nước phát triển.
Quy luật phát triển ngành công nghiệp ô tô trên thế giới từ trước đến nay là bảo vệ thị trường một cách hợp lý, để chuyển giao công nghệ. Bắt đầu từ việc lắp ráp, qua đó phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện phụ tùng, đồng thời gia tăng tỷ lệ nội địa hoá cho sản phẩm ô tô. Nếu như được đảm bảo tính công bằng về thuế, cùng các quy định trong quản lý giữa xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp trong nước, chắc chắn ngành công nghiệp ô tô sẽ phát triển, ông Dương nói.
Phát biểu tại lễ khởi công nhà máy của THACO Mazda, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trên thế giới, những nước chỉ có 50 triệu dân đã phải có ngành công nghiệp ô tô, trong khi đó Việt Nam có tới gần 100 triệu dân. Thủ tướng khẳng định, với chủ trương của Chính phủ là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công nghiệp ô tô phát triển, bảo vệ sản xuất trong nước, theo đúng pháp luật và các cam kết hội nhập.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, định hướng của Chính phủ và Bộ Công thương là giữ được công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô Việt Nam, đồng thời phát triển được công nghiệp hỗ trợ. “Muốn vậy phải dựa vào các doanh nghiệp lớn và phải có chính sách. Những chính sách này sẽ do các doanh nghiệp đề xuất. Đầu tháng 5 tới, chúng tôi sẽ phải báo cáo Chính phủ”, ông Hải nói.
Về chính sách thuế, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính lại cho rằng, các doanh nghiệp ô tô cần đưa ra được tỷ lệ thuế, phí trong giá thành xe là bao nhiêu là phù hợp, trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý Nhà nước mới có những tính toán, để đưa ra được chính sách hài hòa cho phát triển công nghiệp ô tô và đảm bảo các cam kết quốc tế.
Leave a Reply